Lưu ý khi chọn bộ nguồn cho CPU Intel thế hệ 12

2022-01-07

Intel trình làng CPU thế hệ 12 “Alder Lake” hồi cuối tháng 10/2021, đi kèm với đó là bo mạch chủ Z690 và RAM DDR5. Theo lẽ thường tình thì những linh kiện khác có thể sử dụng tiếp để tiết kiệm chi phí, nhưng chí ít đối với thế hệ vi xử lý “Alder Lake” lần này thì có 1 linh kiện mà bạn nên kiểm tra kỹ trước khi có ý định tận dụng lại, đó chính là bộ nguồn (PSU).

Nguyên nhân là do chip “Alder Lake” ngốn rất nhiều điện các bạn ạ, nhất là khi đa phần những con chip Core i thế hệ 12 trong đợt ra mắt đầu tiên đều thuộc phân khúc cao cấp với “võ công thượng thừa”. Dành cho những bạn nào chưa biết thì con chip đầu bảng Core i9-12900K có thể ngốn đến hơn 240 W điện khi chạy full load. Đó là chưa kể bạn nào thích ép xung vọc vạch thì con số này có thể lên tới 300 W là chuyện bình thường.


Vì thế cho nên trừ khi bạn muốn có một cục chặn giấy trị giá trên dưới 10 triệu đồng, việc cấp đủ nguồn cho CPU sẽ giúp con chip của bạn đảm bảo hiệu năng và chạy ổn định về mặt lâu dài. Sẵn dịp này, GVN 360 sẽ liệt kê ra 5 điểm cần lưu ý khi chọn một bộ nguồn để đảm bảo “tính mạng” cho dàn PC của bạn nói chung và CPU Intel thế hệ 12 nói riêng nhé.

Xác định mức công suất mà bạn cần dùng

Tính công suất nguồn trước nay chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Hiểu được nỗi khổ này, FSP đã tạo ra công cụ Power Supply Calculator miễn phí ngay trên nền tảng website cho mọi người có thể dùng thoải mái. Các bạn có thể truy cập trang web này tại đây nhé.


Muốn sử dụng công cụ này, điều đầu tiên các bạn cần làm là thống kê các linh kiện trong dàn PC mà bạn chuẩn bị ráp. Để lấy ví dụ cụ thể hơn trong trường hợp bài viết này, GVN 360 sẽ build một dàn như hình bên trên nhé.

Với cấu hình đầu bảng gồm CPU Intel Core i9-12900K và card đồ họa Nvidia GeForce RTX 3080 Ti, khi chưa ép xung thì công cụ Power Supply Calculator của FSP đã khuyến nghị lấy một bộ nguồn công suất từ 715 W trở lên. Tuy nhiên, các bạn cũng nên lưu ý rằng đây chỉ là công suất tối thiểu để hoạt động an toàn mà thôi. Trên thực tế thì bạn nên tính đến những bộ nguồn có công suất lớn hơn một chút tầm 100-200W để an tâm hơn nhé.


Nguồn ảnh: Facebook anh Nguyễn Đình Bản (Nhện Hổ Phách)
Ngoài lề 1 tí thì Dagger Pro là nguồn chuẩn SFX rất được các modder và người dùng yêu thích trong các dàn máy mini. Điển hình là anh Nhện Hổ Phách, modder số 1 Việt Nam, cũng thường dùng FSP Dagger Pro trong các tác phẩm của mình. Dĩ nhiên nếu bạn không có nhu cầu chơi dàn nhỏ gọn thì cứ lấy các PSU tiêu chuẩn cũng không vấn đề.

Ưu tiên chọn những thương hiệu nổi tiếng
Các thương hiệu lớn như FSP, Corsair, Cooler Master, Seasonic,… chẳng dại gì mà đi cắt giảm chất lượng linh kiện khi sản xuất nguồn để tăng lợi nhuận cả. Trong mảng này, đặc biệt là đối với tầm quan trọng của bộ nguồn trong việc bảo vệ các linh kiện còn lại, uy tín là yếu tố sống còn. Không như những sản phẩm thông thường chỉ bảo hành tầm 3 năm, các bộ nguồn cao cấp thậm chí được bảo hành đến 5-10 năm là rất bình thường. Lựa chọn các thương hiệu uy tín giúp bạn không cần phải lo nghĩ nhiều về sự ổn định và an toàn của dàn PC của mình.

Nguồn tốt cũng là một trong những yếu tố mà GVN 360 ưu tiên đối với hệ thống testbench của mình, đảm bảo kết quả chính xác và bảo vệ an toàn cho các linh kiện (vì hàng mượn lỡ có mệnh hệ gì thì mệt mỏi lắm). Hiện tại thì GVN 360 đang sử dụng dụng dòng Hydro G Pro (80 Plus Gold) và PTM+ (80 Plus Platinum) đều của hãng FSP. Dĩ nhiên mỗi người chúng ta đều sẽ có thương hiệu yêu thích riêng của mình, về cơ bản là bọn mình sử dụng FSP mấy năm qua thấy chất lượng tốt và chưa gặp phải vấn đề nào cả.

Lưu ý vấn đề về hiệu suất (chuẩn 80 Plus)

Vào khoảng đầu những năm 2000, các hãng sản xuất bộ nguồn đã hội ý với nhau để đặt ra một tiêu chuẩn chung, quy chuẩn hóa chất lượng của những bộ nguồn, đồng thời cũng khẳng định chất lượng đó với người dùng luôn. Và cái tiêu chuẩn đó được gọi là 80 Plus. Để đạt chứng nhận 80 Plus thì bộ nguồn sẽ phải trải qua quá trình test gắt gao, sau đó quy về kết quả chung là hiệu suất chuyển đổi điện xoay chiều (AC) thành điện một chiều (DC) để cấp cho PC. Cơ bản thì chuẩn 80 Plus càng cao thì các linh kiện bên trong bộ nguồn sẽ càng xịn, hiệu suất chuyển đổi sẽ càng tốt, nguồn sẽ cho ra dòng điện càng ổn định, ít nhiễu, giúp các linh kiện hoạt động bền bỉ trong thời gian dài.


Đối với người dùng phổ thông thì việc nhìn chuẩn 80 Plus cũng là cách đơn giản nhất để biết nguồn xịn đến đâu. Hiện tại thì các hãng nguồn lớn và uy tín như FSP, Corsair, Cooler Master đều có dải sản phẩm rất đa dạng, đạt tiêu chuẩn từ 80 Plus đến 80 Plus Titanium để bạn dễ dàng lựa chọn. Dĩ nhiên, chuẩn 80 Plus càng cao thì nguồn sẽ càng đắt, nhưng mà xắt ra miếng các bạn ạ. PSU xịn sẽ bảo đảm an toàn cho linh các linh kiện PC, vả lại bộ nguồn cũng không giống như CPU hay GPU, nó rất khó bị lỗi thời. Bởi thế nên đầu tư cho bộ nguồn xịn cũng chính là đầu tư cho tương lai về sau. Bạn chắc chắn là không muốn dàn PC Intel thế hệ 12 của mình gặp chuyện gì bất trắc rồi đúng không nào?

Tính năng bảo vệ linh kiện PC

PSU là tuyến phòng thủ đầu tiên của cả hệ thống PC nên nó phải thật sự đáng tin cậy. Một bộ nguồn tốt là bộ nguồn có thể chặn đứng mọi vấn đề ngay tại vị trí của nó, không cho vấn đề lây lan tới những phần cứng khác. Trong trường hợp cần thiết, nguồn sẽ tự “hy sinh” chính mình để bảo đảm “tính mạng” của những linh kiện còn lại trong dàn PC thông qua các tính năng an toàn như bảo vệ quá dòng (OCV), bảo vệ quá áp/dưới áp (OVP/UVP), bảo vệ quá nhiệt (OTP), bảo vệ đoản mạch (SCP), bảo vệ quá tải (OPP), vân vân.


Đó là một số tính năng bảo vệ mà bộ nguồn tốt nào cũng cần phải có. Hiện mấy hãng sản xuất nguồn lớn như FSP, Corsair, Cooler Master đều đảm bảo được điều này. Ngoài ra, có một số bộ nguồn chẳng hạn như dòng Hydro G Pro của FSP còn có chức năng chống ẩm. Với khí hậu mang độ ẩm như ở Việt Nam thì đây chắc chắn là một tính năng vô cùng hữu dụng, giúp hạn chế hỏng hóc xảy ra với dàn máy tính của bạn.

Kiểm tra những dây nguồn cần sử dụng

Đối với những dàn PC trang bị phần cứng đầu bảng như CPU Intel Core i9-12900K và GPU Nvidia GeForce RTX 3080 Ti, việc đảm bảo cắm đủ dây nguồn để cấp đủ điện cũng là một điều rất cần thiết. Điều này sẽ giúp linh kiện được cấp đủ điện khi cần thiết, đảm bảo hiệu năng được ổn định khi chạy full load.


Thường thì những linh kiện cao cấp như CPU thì sẽ cần cắm đủ 2 đầu 8-pin EPS trên bo mạch chủ, còn trên card màn hình cao cấp thì sẽ cần từ 2 đến 3 đầu 8-pin PCIe. Những chiếc PSU cao cấp với công suất cao thường sẽ có đầy đủ những bộ dây nguồn này, cần dây nào là có dây đó nên bạn khỏi cần phải lăn tăn nhé. Thêm vào đó, những bộ nguồn như được thiết kế theo dạng full modular, cho phép bạn gắn hoặc tháo dây tùy thích, tăng khả năng tùy biến và giúp dễ dàng đi dây gọn gàng hơn.

Tóm lại, PC càng đắt tiền, càng cao cấp thì bạn sẽ cần nguồn càng xịn để tương xứng với nó. Đầu tư một bộ nguồn tốt cũng là cách để bảo vệ những món linh kiện xịn sò trong dàn PC, nhất là khi giá trị của nó không hề nhỏ như những con CPU Intel thế hệ 12 hiện nay. Sau bài này GVN 360 mong rằng bạn sẽ có thêm thông tin khi lựa chọn bộ nguồn phù hợp với dàn Intel “Alder Lake”, cũng như là hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của PSU nhé.

Cám ơn các bạn đã theo dõi! Nếu bạn đang có ý định sắm nguồn tốt cũng hoặc ráp luôn cả dàn PC sử dụng CPU Intel thế hệ 12 thì có thể tham khảo tại cửa hàng GearVN nhé!

Vậy là mình đã nêu xong những lưu ý khi chọn bộ nguồn cho CPU Intel thế hệ 12. Cám ơn các bạn đã theo dõi!


You might be interested

Learn More

arrow_forward_ios
May 23 2023

Công Nghệ Năng Lượng Xanh Của FSP Tạo Ra Giá Trị Bền Vững Cho Ngành Và Môi Trường